Những năm gần đây phong trào sử dụng xe phân khối ở nước ta đang ngày càng trở lên rầm rộ. Được điều khiển một cỗ máy đầy sức mạnh từ những chiếc xe phân khối lớn là niềm đam mê của không ít người. Tuy nhiên, người điều khiển mô tô phân khối lớn cần trang bị những kiến thức cần thiết để lái xe an toàn hơn. Dưới đây là tổng hợp của XePhanKhoiLon.com về những sai lầm mà người dùng xe phân khối lớn thường mắc phải. Hy vọng các bạn có thể rút ra được điều bổ ích cho riêng mình

Mua xe không phù hợp với kỹ năng lái của bản thân

Đây là lỗi rất nhiều người mắc phải, nhất là những người lần đầu mua mô-tô. Đừng nghĩ rằng bạn điều khiển được chiếc Yamaha SR400 thì cũng sẽ dễ dàng thống trị được “mãnh thú” BMW R 1200R. Để thật sự hiểu và thuần hóa được một chiếc xe phân khối lớn không phải là điều dễ dàng. Nếu muốn làm chủ một “mãnh thú” thật sự, hãy tập cách điều khiển thành thục trước khi quyết định rước “em nó” về nhà.

Không lái thử

Bạn không thể biết được liệu chiếc mô-tô ấy có hợp với mình hay không bằng cách đọc catalogue và liếc nhìn các bức ảnh lung linh được chụp bởi các tay máy chuyên nghiệp. Lái thử là cách tốt nhất để đánh giá xem chiếc xe có đáp ứng được mong đợi của bạn không.

Thật tuyệt nếu người bạn của bạn sở hữu một chiếc xe bạn định mua. Hãy hỏi anh ấy cho bạn đi thử một vài vòng. Nếu không, bạn vẫn có thể yêu cầu người bán hàng cho bạn lái thử.

Khi lái thử, bạn nên để ý xem vị trí ngồi có khiến bạn thoải mái không? Cảm giác khi lái chiếc xe thế nào? Bạn có dễ dàng điều khiển và kiểm soát được chiếc xe không?

Không tham khảo kĩ các chủ xe

Hiện nay, có rất nhiều các diễn đàn ô tô xe máy trên mạng. Hãy đăng nhập và hỏi kinh nghiệm của những người đang sở hữu mẫu mô-tô mà bạn muốn mua. Họ sẽ chia sẻ cho bạn ưu điểm, nhược điểm cũng như các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng xe. Thậm chí, qua đó, bạn còn có thể phát hiện ra rằng chiếc Honda CB 1000R hóa ra lại chẳng hợp với mình chút nào.

Những thông tin này vô cùng quý giá và chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đọc được nó trên tờ catalogue quảng cáo của hãng.

Mua chiếc xe vượt quá khả năng tài chính

Đừng vì quá thích mà dốc hết hầu bao để tậu một chiếc xế cưng, để rồi sau đó phải bóp mồm bóp miệng trong chi tiêu. Bạn nên tính toán cẩn thận dựa trên thu nhập và các khoản chi tiêu hàng tháng trước khi quyết định bỏ tiền mua xe.

Tiền bảo hiểm chiếc xe cũng phụ thuộc vào giá trị và loại xe. Một chiếc Honda Grom sẽ tốn ít tiền bảo hiểm hơn một chiếc Ninja H2.

Mua xe không đúng mục đích sử dụng

Bạn mê mệt các mẫu mô-tô thể thao. Thế nhưng, nếu thường xuyên di chuyển đường dài và xóc, hãy nghĩ đến một chiếc xe có tay lái và vị trí ngồi thoải mái, tiết kiệm nhiên liệu, có cốp rộng và giàn áo cao hơn.

Một chiếc xe với yên xe bọc da trông sẽ rất ngầu. Nhưng nó cũng là thảm họa nếu bạn ngồi trên đó vài tiếng đồng hồ trong thời tiết nắng nóng.

Một chiếc xe phù hợp, đúng mục đích sử dụng sẽ giúp bạn nuôi dưỡng niềm đam mê mô-tô của mình. Đừng vì một phút bốc đồng mà đưa ra quyết định sai lầm.

Để bình xăng cạn

Đây là lỗi người mới chạy xe hay mắc phải, khi lượng xăng quá ít sẽ dẫn đến đóng cặn bởi xăng vẫn có lẫn các hạt tạp chất có thể gây nghẹt bơm hay kim phun nhiên liệu hoặc hư hại chế hòa khí do kẹt phao xăng.

Khi nhiên liệu cạn, lực hút sẽ mạnh hơn do trong bơm nhiên liệu hút theo một phần không khí, có thể gây kích nổ bên trong họng nạp, dẫn tới hiện tượng động cơ làm việc giật cục.

Không thực hiện thay dầu, bảo dưỡng định kỳ

Dầu máy và nước mát là 2 thành phần quan trọng nhất, nếu không chú ý thay đúng hạn, đúng chủng loại, dung tích động cơ sẽ nhanh chóng bị hỏng, phải thay thế các chi tiết máy.

Một số các điều chỉnh khác như tăng xích, dây côn, cùm dây ga, vệ sinh lọc gió, vệ sinh kim phun nhiên liệu… cũng rất hay bị bỏ qua do chủ nhân quên hoặc không chú ý cũng khiến xe nhanh xuống cấp, có thể gây nguy hiểm trong một vài tình huống.

Lười vệ sinh hệ thống phanh

Theo thời gian, phanh bẩn khi hoạt động sẽ sinh ra nhiệt, bụi phanh và mạt kim loại khiến các chi tiết phanh giảm hiệu suất. Lâu ngày không làm vệ sinh hệ, thống phanh sẽ không ăn, mất bám, thậm chí bị bó phanh dẫn tới cháy phanh, bục ống dầu do sôi dầu phanh…

Việc quan tâm vệ sinh hệ thống phanh sẽ giúp người lái nắm được tình hình, sớm có biện pháp thay thế bởi đây là hệ thống trực tiếp đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Ngồi lên xe khi đang để chân chống nghiêng

Sai lầm này hết sức phổ biến ở hầu hết người sử dụng với mọi dòng xe. Riêng chân chống xe phân khối lớn hầu hết được thiết kế để chịu khối lượng của chiếc xe, việc thường xuyên ngồi lên sẽ khiến chân chống dần biến dạng và hư hại.

Đặc biệt, một số dòng xe đắt tiền có chân chống được gắn trực tiếp vào lốc máy có thể khiến lốc máy bị hư hại như trờn ren, nứt hay nghiêm trọng hơn là vỡ lốc máy.

Dắt xe bằng cách nắm vào đai ở yên sau xe

Dây đai nằm ở yên sau xe được thiết kế để người ngồi sau bám vào, buộc các túi đồ không quá nặng, hay để luồn tay xuống phía dưới mỗi khi dắt xe.

Tuy nhiên, do hầu hết các dòng phân khối lớn không có tay xách phía sau nên nhiều người tóm chặt dây đai này mỗi khi dắt xe, khiến dây đai dễ bị đứt, và khi đang dắt xe có thể khiến xe bị đổ do không thể đỡ kịp.

Không tháo xăng, ắc-quy khi để xe một thời gian dài

Cần lưu ý để xăng lâu bên trong bình dễ dấn đến hiện tượng “thối xăng”, tạo ra lớp màng bám khiến bơm xăng bị nghẹt và khó điều khiển.

Việc không tháo ắc-quy khiến ắc-quy nhanh hết điện, xe khó khởi động lại do không được nạp trong một thời gian dài bởi ngay cả khi tắt máy, ắc-quy vẫn phải nuôi hệ thống điện, ECU cũng như cảnh báo khác tùy thuộc các dòng xe. Một số trường hợp có thể gây ra chập cháy.

Bơm lốp quá căng

Rất nhiều người có sở thích bơm lốp căng để đi lâu, tuy nhiên đây là sai lầm chết người. Lốp quá căng sẽ khiến xe có độ nảy lớn, rung động mạnh, độ bám đường giảm, tiếp xúc mặt đường kém, làm giảm khả năng phanh, ôm cua cũng như khiến cho lốp mòn không đều.

Chưa kể khi di chuyển trong những ngày nắng nóng nhiệt độ tăng cao có thể khiến lốp xe bị nổ do giãn nở nhiệt, gây nguy hiểm cho người điều khiển.

Không sử dụng chất bôi trơn cho đai ốc, bu-lông

Thông thường, để bu-lông vặn chặt, cần kiểm tra các vòng ren ăn khớp với nhau, siết đủ lực. Việc tra dầu mỡ theo hướng dẫn của nhà sản xuất không làm bu-lông, ốc vít dễ bị tuột mà còn giúp cho việc bảo dưỡng dễ dàng hơn.

Giảm ma sát giữa bu-lông và ốc vít bằng chất bôi trơn, cùng với lực siết đủ mạnh sẽ làm các chi tiết này xoáy chặt hơn.

Cắt côn nẹt pô liên tục

Các chuyên gia của hãng đều khuyến cáo hành động này rất có hại. Đa số người dùng cũng biết vê côn thường xuyên vừa gây tốn xăng không cần thiết, vừa khiến động cơ nhanh bị quá nhiệt, dễ hao mòn các chi tiết máy.

Tuy nhiên, do là thao tác thú vị, nhiều người vẫn khó bỏ thói quen này ngay cả khi biết là nó có hại cho động cơ.

Rà phanh liên tục khi xuống dốc

Thói quen không hãm số mà sử dụng phanh liên tục khi xuống dốc thường bắt gặp ở lái mới, việc này khiến dầu trong ống nhanh sôi, má phanh quá nhiệt gây mất khả năng phanh cũng như đĩa phanh mất khả năng ma sát.

Tất cả hiện tượng trở nên nghiêm trọng khi đang đổ đèo. Ngay cả khi có ABS, dùng phanh không đúng cách khi xuống dốc liên tục cũng khiến hệ thống mất tác dụng. Một số trường hợp dẫn tới cháy đĩa, thậm chí vỡ đĩa có thể gây lộn xe rất nguy hiểm.

Nguồn: XePhanKhoiLon.com